Cây bưởi vốn là cây đặc sản ở vùng đất Đoan Hùng. Từ xa xưa, bưởi Đoan Hùng vốn nổi tiếng khắp vùng, được thị trường gần xa ưa chuộng. Dựa vào thế mạnh và tiềm năng của cây bưởi, trong những năm gần đây, huyện Đoan Hùng đã phát triển mạnh diện tích cây bưởi ở hầu khắp các xã như Chí Đám, Tây Cốc, Phương Trung, Bằng Luân, Hữu Đô, Đại Nghĩa, Chân Mộng, Phúc Lai… Bưởi Đoan Hùng là một trong số 75 thương hiệu sản phẩm nông nghiệp vừa được Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam trao giải thưởng “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2019”. Đây là lần thứ 3 bưởi đặc sản Đoan Hùng tiếp tục được vinh danh là “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam”.
Những giống bưởi quý được trồng với diện tích lớn trong khu đất vườn của các hộ dân ở Đoan Hùng như bưởi Sửu xanh, bưởi Khả Lĩnh, bưởi đào, bưởi Xuân Vân… Trong đó, nổi tiếng nhất là hai vùng đất bưởi Chí Đám và Bằng Luân. Ngày 8/2/2006, Cục Sở hữu trí tuệ đã ra Quyết định đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa cho hai sản phẩm bưởi Sửu Chí Đám và bưởi Bằng Luân của Đoan Hùng. Tên gọi xuất xứ hàng hóa bưởi Đoan Hùng là tài sản Quốc gia, được Nhà nước bảo hộ vô thời hạn trên toàn lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam kể từ ngày đó.
Để có những mùa bưởi bội thu, người dân Đoan Hùng quý và chăm sóc cây bưởi đặc sản còn hơn cả chăm sóc mình. Trong mỗi khu vườn, người ta chặt bỏ những cây cao, rợp bóng để tạo khoảng không cho bưởi dại nắng. Chủ nhân của những vườn bưởi ngày ngày tưới nước, bón phân và chăm sóc cho từng gốc bưởi. Họ coi bưởi là loài cây đã gắn bó với con người và mảnh đất này từ bao đời nay, vì thế, không thể để mất đi giống bưởi quí, giống bưởi sẽ giúp họ phát triển kinh tế vườn một cách hiệu quả. Vào mùa bưởi trổ hoa, người dân dường như mất ăn mất ngủ để chăm chút cho từng nụ. Công việc thụ phấn cho bưởi, phun thuốc giữ hoa và tưới nước là công đoạn hết sức tỉ mỉ, kiên trì và khoa học, nếu sơ sẩy hay lơ đãng một chút là có thể mất đi một vụ bưởi.
Để có được trái bưởi ngọt và căng mọng nước vào thời điểm cuối thu, người dân đất bưởi phải trải qua những tháng ngày “đơm hoa kết trái” cùng bưởi. Những kỹ thuật được các chủ vườn thuộc trong lòng bàn tay như thụ phấn, giữ quả, bón phân, tách bớt quả, ngắt lá và đến thời điểm bưởi xuống đường thì phải thu hoạch, nếu không tôm bưởi sẽ khô và mất giá. Cần cù, miệt mài và say sưa với nghề trồng bưởi vốn là phẩm chất của những người nông dân chân chất ở vựa bưởi Đoan Hùng. Với họ, cây bưởi cùng họ mưu sinh, cùng họ phát triển kinh tế. Vì thế, nếu không bỏ công chăm sóc bằng chính cái tâm của mình, chắc hẳn bưởi sẽ chẳng cho những vụ bội thu như hôm nay.
Theo số liệu thống kê, tính đến thời điểm hiện nay, toàn huyện Đoan Hùng có 2.346,6ha bưởi. Trong đó, bưởi đặc sản hiện có là 1.399,2ha (bưởi Sửu 536,4ha, bưởi Bằng Luân 862,8ha). Diện tích bưởi đã cho sản phẩm trên địa bàn khoảng 1.500ha. Tính riêng năm 2018, sản lượng quả đạt khoảng 16.000 tấn (bưởi đặc sản khoảng 11.000 tấn), giá trị sản phẩm đạt khoảng 260 tỷ đồng. Theo ước tính của người dân, mùa bưởi năm 2019, mỗi cây bưởi có tuổi từ 10 – 15 năm sẽ cho từ 300 – 350 quả. Thời điểm vào mùa, giá bưởi giao động từ 20.000 – 35.000 đồng/quả, tùy vào kích cỡ và loại bưởi. Nhờ thế, cây bưởi trở thành cây trồng thoát nghèo của người dân Đoan Hùng. Mỗi mùa bưởi được thu hoạch, mỗi hộ dân nơi đây có thu nhập vài trăm triệu đồng. Có khi, bưởi mới ra nụ, đã có thương lái ở khắp mọi nơi về đặt hàng, họ đặt cọc cả cây rồi họ tự tay chăm sóc bưởi đến ngày hái quả. Vì thế, về Đoan Hùng hôm nay, diện mạo vùng quê vốn xưa kia nghèo khó đã thay đổi hẳn, nhà cao tầng, đường bê tông, trường học, trạm y tế đã được khang trang. Đặc biệt là mức sống của mỗi gia đình, của cộng đồng dân cư đã được nâng lên rõ rệt.
Mùa này, Đoan Hùng tấp nập thu hái bưởi. Khắp nơi, thương lái về mua bưởi để mang ra thị trường tiêu thụ. Bưởi Đoan Hùng là loại hoa quả sạch, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được công nhận thương hiệu, bảo quản đơn giản trong thời gian dài, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng nên được thị trường gần xa ưa chuộng.
Về Đoan Hùng những ngày này, những trái bưởi dám nắng thu, vàng ươm đang gọi tay người hái, níu giữ lòng người, mùa thu hái “vàng xanh” ở vùng quê trung du. Ai ai cũng cảm nhận được tấm lòng thảo thơm và chân chất của người dân đất bưởi từ bao đời nay nặng lòng vun trồng cho những mùa quả bội thu.
Theo: http://www.khuyennongvn.gov.vn