Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Algeria đạt 135,6 triệu USD, giảm 9,7%.
Tiềm năng lớn
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam hiện nay vẫn là cà phê, đạt giá trị 81,2 triệu USD, chiếm gần 60% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này. Tiếp đến là kim loại thường và sản phẩm, điện thoại di động và linh kiện, sản phẩm hóa chất, gạo, hạt tiêu, giày dép… Thủy hải sản cũng luôn nằm trong nhóm 5 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất của Việt Nam sang Algeria, với kim ngạch từ 9-10 triệu USD/năm…
Theo các chuyên gia, thị trường Algeria được đánh giá là “dễ tính” đối với hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng nông sản. Do thường xuyên chịu hạn hán, thiên tai, biến động chính trị nên sản xuất lương thực của Châu Phi nói chung và Algeria nói riêng không đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Khu vực châu Phi được dự báo sẽ trở thành khu vực mậu dịch tự do lớn nhất về số nước tham gia kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Châu Phi (AfCFTA) chính thức có hiệu lực từ tháng 5/2019. Do đó, xuất khẩu Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng mạnh sang Algeria nói riêng và Châu Phi nói chung trong thời gian tới.
Còn nhiều rào cản
Theo Thương vụ Việt Nam tại Algeria, khi hàng xuất khẩu đến cảng Algeria, vì một số lý do như giá hàng xuống thấp hơn so với thời điểm mua, hoặc đối tác tìm được nhà cung cấp khác với giá rẻ hơn, một số khách hàng Algeria không nhận hàng hoặc ép người bán phải giảm giá. Chẳng hạn như Công ty S.A.R.L Zima Food đã mua 1 container tiêu đen của Việt Nam. Khi hàng đến cảng Alger, do giá hạt tiêu xuống thấp, khách không chịu lấy hàng.
Bên cạnh đó, theo quy định của Algeria, khi hàng đã vào cảng, tức là thuộc quyền sở hữu của người mua dù chưa thanh toán, thậm chí chưa đặt cọc, nếu muốn bán cho khách hàng khác hoặc chuyển hàng về nước, nhà xuất khẩu phải có sự đồng ý của khách hàng. Khi hàng nằm ở cảng quá 81 ngày cơ quan hải quan Algeria sẽ bán đấu giá, sung công quỹ.
Ngoài ra, bà Nguyễn Minh Phương, Vụ Thị trường Châu Á – Châu Phi (Bộ Công thương) cho biết thêm, rủi ro trong thanh toán cũng là điều mà doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm. Bởi vì, các nhà nhập khẩu Châu Phi không có thói quen mở Thư tín dụng (L/C). Do đó, họ thường đề nghị mua hàng trả chậm dưới hình thức giao hàng tại cảng đến. “Doanh nghiệp xuất khẩu nên đề nghị đối tác Algeria đặt cọc ít nhất 40-50% giá trị lô hàng hoặc sử dụng thanh toán bằng L/C không hủy ngang có xác nhận”, bà Phương khuyến nghị.
Theo: Tin Tây Nguyên