Cán bộ điều tra sâu keo mùa thu phá hoại ngô sắp thu hoạch.
Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN
|
Sâu keo mùa thu rất khỏe, tốc độ cắn phá rất nhanh. Qua điều tra, trên mỗi đọt ngô chỉ phát hiện 1 cá thể sâu trưởng thành, trong một vài ngày xuất hiện, chúng có thể ăn hết phần lá non trên ngọn ngô. Sâu keo mùa thu có thể gây hại trên 300 loài thực vật như ngô, đậu tương, mía, rau các loại và cả trên cây lúa,…; trong đó, thức ăn ưa thích nhất của chúng là ngô.
Sâu keo mùa thu có đặc điểm: đầu hình chữ Y ngược, trên lưng đốt áp sát đuôi có 4 chấm đen bố trí cân đối nhau tạo thành hình vuông. Lưng có 3 sọc màu sáng chạy song song, chia phần lưng mỗi đốt thành 2 phần đều nhau, trên mỗi phần có 2 chấm đen và cơ thể có nhiều lông.
Giải pháp thực hiện theo công văn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phòng chống sâu keo mùa thu, tỉnh đã chủ trì hội nghị trực tuyến, tuyên truyền về sâu keo mùa thu cho 143 điểm cầu là các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hướng dẫn điều tra, phòng trừ gửi cho các đơn vị cấp huyện, yêu cầu rà soát, theo dõi và kịp thời cập nhật diễn biến tình hình xuất hiện, gây hại của sâu keo mùa thu trên địa bàn tỉnh, tổng hợp, báo cáo, đề xuất các biện pháp phòng chống hiệu quả.
Chi cục tập huấn phổ biến thông tin mới nhất về loài sâu keo mùa thu đến đội ngũ cán bộ kỹ thuật ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật, cán bộ khuyến nông và nông dân biết, nhận dạng và có giải pháp khống chế kịp thời, hiệu quả, không để lây lan ra diện rộng.
Vừa qua, tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ khảo sát và đề xuất nghiên cứu quy trình sản xuất pheromone giới tính của sâu keo mùa thu; phối hợp với Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam tìm ruộng thực hiện thí nghiệm về quản lý sâu keo mùa thu bằng các biện pháp hóa chất, sinh học…
Trước hiện trạng sâu keo mùa thu phá hoại ngô ở Đồng Tháp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo các Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp ở các địa phương khẩn trương tổ chức điều tra đồng ruộng để phát hiện kịp thời, có biện pháp ứng phó. Khuyến cáo nông dân trước khi xuống giống cần vệ sinh đồng ruộng hạn chế nơi trú ẩn của sâu, sau mỗi vụ mùa cần làm đất, phơi đất để diệt ấu trùng hoặc có thể luân canh cây khác.
Khi xuất hiện sâu keo mùa thu cần cắt tỉa những bộ phận bị sâu tấn công, có thể dùng tro bếp, nước xà phòng pha loãng hay các biện pháp sinh học (dùng nấm trắng, nấm xanh,...) đổ vào ngọn để diệt sâu non. Bên cạnh đó, có thể sử dụng các hoạt chất hóa học như: Bacillus thuringiensis, Spinetoram, Indoxacarb, Lufenuron để phòng trừ nhưng cần tuân thủ theo quy tắc “4 đúng” để tránh sâu kháng thuốc và bảo tồn các loài thiên địch.
Tại tỉnh Đồng Tháp hiện nay chưa có nhiều nghiên cứu khoa học phòng trừ sâu keo mùa thu theo hướng sinh học. Hiện tại, nông dân chủ yếu sử dụng thuốc hoá học để phòng trừ tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp nhất thời, chưa bền vững và sâu keo mùa thu có nguy cơ bộc phát gây hại nặng hơn là rất cao.
Tỉnh Đồng Tháp có 4.655 ha trồng ngô tập trung nhiều ở 2 huyện Hồng Ngự (1.444 ha) và Thanh Bình (2.290 ha).
Theo: Dân Tộc Miền Núi