Hạn mặn xâm nhập nhanh
Theo dự báo của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, tình hình hạn mặn trong mùa khô năm nay sẽ đạt mức kỷ lục với mức độ xâm nhập mặn nhanh nhất từ trước đến nay… Từ nay đến 16/2 nước mặn sẽ tiếp tục xuất hiện với chiều sâu xâm nhập mặn lớn nhất từ trước đến nay. Độ mặn 4‰ xâm nhập sâu, trong đó sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây phạm vi ảnh hưởng từ 95 - 100km.
Tại tỉnh Tiền Giang, những ngày qua độ mặn đang tăng nhanh và xâm nhập sâu vào nội đồng ở nhiều tuyến sông, kinh làm uy hiếp nhiều khu vực trồng cây ăn trái. Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang cho hay, việc bảo vệ hơn 70.000ha cây ăn trái của tỉnh đang được ngành chuyên môn tập trung cao độ, bởi cây ăn trái mang lại giá trị kinh tế cao cho nên nếu bị thiệt hại sẽ mất nhiều năm mới khôi phục lại được. Vì vậy, cán bộ chuyên môn đang theo dõi độ mặn thường xuyên để có cách ứng phó.
Tương tự, Bến Tre cũng là địa phương chịu ảnh hưởng hạn mặn sớm nhất. Ngay từ những tháng cuối năm 2019, nước mặn đã lấn sâu vào các nhánh sông chính, đe dọa trực tiếp đến nhiều vùng trồng cây ăn trái của tỉnh.
Ông Trần Quốc Khánh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ba Tri (Bến Tre) cho biết: “Đây là đợt xâm nhập mặn bất ngờ và nhanh nhất từ trước đến nay. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước sản xuất vẫn thường xảy ra nhiều năm qua ở địa phương nên chúng tôi khuyến cáo người dân cần tích nước trong mương vườn để dành tưới cho cây ăn trái, rau màu”.
Nhiều chủ vườn lắp đặt hệ thống tưới tiêt kiệm cho vườn cây phòng chống hạn mặn.
Tỉnh Long An hiện có trên 11.000 ha cây ăn trái, rau màu có khả năng bị ảnh hưởng hạn mặn. Để chủ động ứng phó hạn, mặn, ngành Nông nghiệp tỉnh Long An khuyến cáo, đối với những vùng có nguy cơ thiếu nước, nên áp dụng công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp, tưới tiên tiến, tiết kiệm nước (tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt) và triển khai nhân rộng các mô hình này, điều chỉnh việc cấp nước phù hợp khi nguồn nước bị thiếu hụt bảo đảm hiệu quả sản xuất.
Chủ động thích ứng
Theo đánh giá hạn mặn năm nay còn diễn biến phức tạp và khó lường, với dự báo có thể phá kỷ lục mùa mặn lịch sử cách đây 4 năm, biểu hiện khi xâm nhập mặn đã xảy ra ở mức cao bất thường, sớm hơn năm 2015 – 2016 và sớm hơn trung bình nhiều năm từ 2 - 3 tháng rưỡi.
Các nhà vườn lo lắng khi hạn măn năm nay về nhanh có thể gây hại nặng cho vườn cây trái.
Tiến sĩ Võ Hữu Thoại, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam lưu ý: “Do hạn, mặn năm nay rất khốc liệt và còn kéo dài, vì thế nhà vườn không nên xử lý cho cây ra hoa trong giai đoạn này bởi không đủ nguồn nước tưới.
Bên cạnh đó, cần tỉa cành, tạo tán; tăng cường bón phân hữu cơ, kali và phân lân cho cây; có thể phun phân bón lá giúp cây tăng sức đề kháng và khả năng chịu hạn để chống chọi với nhiễm mặn…Về lâu dài, tăng cường nghiên cứu chọn giống cây thích hợp với điều kiện bất lợi của hạn, mặn ngày càng phức tạp”.
Nhà vườn liên tục kiểm tra độ mặn trong nguồn nước tưới vườn cây.
Theo TS.Thoại, rút bài học kinh nghiệm sâu sắc từ đợt hạn mặn mùa khô 2015-2016, các vườn trồng cây ăn quả ở ĐBSCL phải có các bước chuẩn bị và biện pháp chăm sóc vườn nhằm hạn chế tối thiểu những thiệt hại về thời tiết và thủy văn có thể xảy ra trong mùa khô 2019-2020.
Các chuyên gia cho rằng, năm nay mặn đến sớm và xâm nhập sâu đến gần 60km là hậu quả của mùa lũ thấp, mực nước từ đầu sông Mekong cạn kỷ lục, Biển Hồ ở Campuchia có vai trò điều tiết từ 70-80% lượng nước về sông Cửu Long nhưng bị thiếu hụt tới gần 22 tỉ m3 nước so với thông thường.
Người dân tự đo độ mặn để kịp thời phòng chống bảo vệ vườn cây ăn trái
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, ngoài các giải pháp trữ nước ngọt và theo dõi thường xuyên diễn biến hạn mặn, nông dân cần áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật để bảo vệ vườn cây ăn quả nhằm hạn chế ở mức thấp nhất thiệt hại. Hơn nữa, không được tưới cây bằng nước có độ mặn cao, không xử lý ra hoa trong thời điểm này. Ngoài ra cũng cần phải có sự thích ứng đối với những yếu tố bất lợi về môi trường như lũ, khô hạn, hay những trận mưa trái mùa.
Nguồn: https://nongnghiep.vn/