Nếu như ở đầu niên vụ trước, giá cà phê trong nước ở mức 42.000 đồng/kg thì đầu vụ này chỉ ở mức 35.000 đồng/kg và liên tục giảm, hiện chỉ khoảng 32.000-33.000 đồng/kg. Những biến động về giá cả theo chiều hướng bất lợi cho người làm cà phê khi chi phí đầu vào luôn tăng, trong khi giá bán cà phê lại liên tục ở mức rất thấp.
Gia đình bà H'nhung Ayun ở buôn Cuôr Đăng B, xã Cuôr Đăng, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk trồng 1ha cà phê, trong đó hơn 6 sào đã cho thu hoạch. Năm ngoái, thu hoạch 1,6 tấn cà phê nhân, với giá bán 37.000 đồng/kg. Trừ các khoản chi phí, gia đình bà còn lãi chỉ khoảng 30 triệu đồng.
“Năm nay, sản lượng cà phê nhà tôi thấp hơn so với năm ngoái, chỉ đạt được khoảng 8 tạ thôi, trong khi giá bán cũng thấp hơn năm ngoái. Hiện tại, chúng tôi cập nhật giá thị trường chỉ ở mức 34.000 đồng/kg thôi. Mất mùa, mất giá thế này thì gia đình chúng tôi thua lỗ; tiền nguyên vật tư, tiền công đầu tư cho vụ tới là chúng tôi không đủ rồi”, bà H'nhung Ayun nói.
Ngành cà phê Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn |
Còn gia đình anh Lê Phước Ngà, ở thôn 9, xã Tân Sơn, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai thì cho biết, chi phí đầu tư từ phân bón cho tới các loại thuốc bảo vệ thực vật đều rất cao mà giá cà phê lại quá thấp, với giá bán cà phê hiện tại, tính sơ sơ đã bị lỗ vốn đầu tư. Cuộc sống của cả gia đình 5 người, con cái ăn học sẽ rất khó khăn khi chỉ trông chờ vào 1ha cà phê bây giờ không biết phải làm sao.
“Giá cả như hiện nay người dân thiệt hại nhiều lắm. Phân bón, vật tư đều cao, nhân công cao nhưng giá cà phê lại giảm. Tình hình này người nông dân khổ lắm”, anh Lê Phước Ngà chia sẻ.
Theo thống kê của Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, niên vụ năm nay, cả nước có gần 690.000 ha cà phê, sản lượng xuất khẩu đạt gần 1,7 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu gần 3 tỷ USD.
So với niên vụ trước, sản lượng giảm khoảng 3% nhưng kim ngạch giảm tới hơn 14%. Giá cà phê xuất khẩu niên vụ này được đánh giá ở mức thấp kỷ lục trong vòng 10 năm trở lại đây, có thời điểm xuống mức 1.207 USD/tấn đối với cà phê Robusta, 88 cent/lb đối với cà phê Arabica.
Trong khi đó, nhiều dự báo cho thấy, giá cà phê khó có thể cải thiện trong niên vụ mới, khủng hoảng có thể sẽ còn tiếp diễn. Cùng với khủng hoảng giá, ngành cà phê Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức khác. Đó là tình trạng cà phê già cỗi đang tăng nhanh.
Tại Tây Nguyên, vùng trọng điểm cà phê của Việt Nam, diện tích cà phê trên 20 năm tuổi hiện có khoảng 86.000 ha, chiếm 16%, diện tích cà phê 15 - 20 năm tuổi khoảng 140.000 ha, chiếm 26%. Trong khi đó công tác tái canh còn rất nhiều khó khăn, việc canh tác cà phê vẫn chưa thoát khỏi cảnh manh mún, tự phát.
Anh Phùng Văn Quy, xã Tân Bình, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai, chia sẻ: “Về chuyển giao khoa học kỹ thuật là phải trực tiếp đến người nông dân, thứ hai là phải thường xuyên. Hiện nay, nông dân phần lớn là làm tự phát, không nắm rõ khoa học kỹ thuật, nhiều cái còn lạc hậu lắm”.
Trong một diễn biến khác, sản xuất cà phê nước ta những năm gần đây cũng đang chịu nhiều bất lợi vì biến đổi khí hậu. Hết hạn hán đến lũ lụt, liên tục làm thiệt hại nghiêm trọng vùng trồng cà phê trọng điểm Tây Nguyên. Chỉ riêng đợt lũ tháng 8/2019 đã làm thiệt hại hơn 1.000ha cà phê của khu vực này.
Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam dự báo, niên vụ 2019-2020, sản lượng cà phê Việt Nam có thể bị giảm đến 15% so với năm trước do những tác động của thời tiết. Thêm vào đó, với giá bán như hiện nay, nhiều nông dân trồng cà phê thua lỗ rất có thể sẽ chặt bỏ cây cà phê, thay thế bằng các các loại cây trồng khác.
Ông Nguyễn Minh Đường, Giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu nông sản Tây Nguyên cho hay, giá cà phê nhân xô tại giao dịch tại các sàn cà phê London và New York đang rất thấp, không chỉ nông dân sản xuất không có lãi mà doanh nghiệp thu mua, chế biến và xuất khẩu cà phê nhân cũng lao đao.
“Khó khăn lúc này là giá cà phê xuống quá thấp, thời điểm hiện tại, người trồng cà phê không có lãi, khi không có lãi thì buộc họ phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển qua những giống cây trồng khác. Như thế thì tương lai không xa sẽ rất ảnh hưởng đến nguồn cung cà phê”, ông Nguyễn Minh Đường nói.
Theo: http://www.hoinongdan.org.vn