Dễ làm biến động môi trường
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Tiền Giang, tình trạng nắng nóng kéo dài trong những ngày vừa qua làm môi trường ao nuôi tôm nước lợ dễ biến đổi đột ngột, nhất là yếu tố pH và nhiệt độ nước; Từ đó, làm tôm nuôi bị sốc môi trường, sức khỏe yếu và rất dễ bùng phát dịch bệnh. Nắng nóng còn làm nước ao tôm bốc hơi nhanh, độ mặn trong ao cũng tăng theo, tôm dễ phát sinh bệnh hoại tử gan tụy.
Bên cạnh đó, nắng nóng cùng với độ mặn tăng cao làm các loại cây cỏ thủy sinh trong ao tôm bị chết và phân hủy nhanh là nguồn dinh dưỡng cho tảo phát triển mạnh, kéo theo sự biến đổi về độ trong của nước trong ao. Tảo xuất hiện với mật độ dày cũng là nguyên nhân gây ra hiện tượng tôm nổi đầu vào buổi sáng do thiếu ôxy, nếu nặng sẽ chết hàng loạt. Nước trong vuông nuôi cạn cũng là nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi pH của môi trường nuôi. Đối với những vùng đất có nhiều phèn thì pH sẽ xuống thấp do phèn từ trong đất của nền đáy và bờ bao xì ra ao tôm.
Những yếu tố môi trường ao nuôi tôm càng thay đổi đột ngột hơn khi xuất hiện những cơn mưa trái vụ hay mưa đầu mùa với lưu lượng nước lớn. Khi đó, nước mưa sẽ cuốn trôi phèn từ bờ ao xuống ao nuôi tôm làm pH giảm thấp, nhiệt độ phân tầng, dẫn đến hiện tượng tôm yếu bị chết đột ngột, mất khả năng đề kháng và dễ mắc bệnh.
Tuân thủ quy tắc quản lý ao tôm
Trong nuôi tôm, việc quản lý tốt các yếu tố môi trường nước trong vuông là rất quan trọng. Nếu giữ được sự ổn định các yếu tố nhiệt độ, độ mặn, pH, độ kiềm, ôxy hòa tan... trong ngưỡng thích hợp sẽ giúp tôm phát triển tốt. Do đó phải thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường và theo dõi hoạt động của tôm.
Thường xuyên kiểm tra tôm nuôi - Ảnh: PTC
Người nuôi cần xây dựng ao lắng riêng, chủ động được nguồn nước và xử lý nước trước khi lấy vào ao nhằm tạo các yếu tố môi trường thuận lợi nhất cho sự phát triển của tôm cũng như hạn chế mầm bệnh từ bên ngoài. Đồng thời, cần chủ động duy trì mực nước trong ao (trên 1,2 m) để hạn chế ảnh hưởng bất lợi của tình trạng nắng nóng. Thường xuyên kiểm tra, gia cố bờ bao sau mỗi vụ nuôi để tránh tình trạng nước rò rỉ từ ngoài vào hay từ ao này sang ao khác. Nếu nước trong ao tôm có màu đậm, pH cao cần lập tức tiến hành thay 20% lượng nước hoặc cấp thêm nước vào ao nuôi thông qua ao lắng.
Vào mùa nắng nóng, đôi khi xuất hiện mưa trái mùa làm môi trường nước biến động, cần theo dõi, quản lý ao nuôi, đề phòng tôm bị sốc, ảnh hưởng đến hoạt động sống. Khi thấy có dấu hiệu mưa, cần rải vôi xung quanh ao tôm với liều lượng 10 - 15 kg/100 m2 để hạn chế phèn rửa trôi xuống ao nuôi.
Bên cạnh đó, nắng nóng thường làm độ mặn tăng cao, độ trong thấp, rong tảo phát triển nhiều, pH dao động trong ngày lớn, ôxy giảm thấp vào ban đêm… dẫn đến tôm chậm lớn, bị đỏ thân do thiếu ôxy… Nếu có điều kiện, cần cấp nước để bù vào lượng nước bốc hơi. Nên cấp nước từ từ, khoảng 20 - 30% lượng nước trong ao, cấp vào lúc trời mát, khoảng sau 19 giờ đêm, cấp nước cần qua ao lắng và xử lý. Nên sử dụng chế phẩm sinh học định kỳ giúp ổn định môi trường, hạn chế khí độc trong ao nuôi.
Sau những trận mưa, người nuôi phải kiểm tra các yếu tố môi trường trong vuông nuôi, để có những biện pháp khắc phục kịp thời, xả bớt lớp nước mặt, hay dùng quạt, xuồng máy chạy đảo trong vuông để phá vỡ sự phân tầng nhiệt độ nước. Ngoài ra, nên thả nuôi tôm với mật độ vừa phải để dễ quản lý. Trong suốt quá trình nuôi, cũng nên ghi sổ nhật ký theo dõi các hoạt động hàng ngày để thuận tiện cho việc quản lý sức khỏe tôm nuôi, cũng như phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Theo thủy sản Việt Nam